Sân khấu chông chênh tìm hướng đi

VHO- Dù nhận được sự quan tâm của cả cơ quan quản lý lẫn quần chúng, nhưng sân khấu kịch vẫn không tránh khỏi cảnh chông chênh, “chạy ăn từng bữa”. Vừa qua tại TP.HCM, những nỗi niềm về quãng “trầm” đầy khó khăn này đã được các đạo diễn “thổ lộ” trong tọa đàm “Đạo diễn và hình thức dàn dựng, biểu diễn hiện nay, thực trạng và giải pháp” do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức.

Sân khấu chông chênh tìm hướng đi - Anh 1
 

 Cuộc tọa đàm đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn, tác giả sân khấu, nghệ sĩ

Còn nhớ một thời đỉnh cao, sân khấu kịch đã thật sự thăng hoa khi khán giả nô nức đến rạp xem vở diễn mới và luôn trong tình trạng “cháy” vé. Hiện tại, nhiều đơn vị đã phải tuyên bố đóng cửa, những “ông bầu, bà bầu” sân khấu đau đáu với nghề nhưng cứ công diễn là bù lỗ… Gần 10 năm sống và làm việc tại Mỹ, được tiếp cận với nhiều công nghệ tiên tiến, đạo diễn Quốc Thảo cho biết, khi quyết định trở về nước anh ôm nhiều giấc mộng cống hiến cho sân khấu nước nhà. Nhưng giữa mong muốn và hiện thực lại cách nhau quá xa. “Chúng ta thiếu kinh phí và điều kiện vật chất, kỹ thuật, ảnh hưởng đến ý đồ sáng tạo. Sân khấu chúng ta hoàn toàn thủ công, bưng cảnh chạy ra chạy vào, đèn thì leo lét, có nơi không tìm được người chuyên nghiệp phụ trách âm thanh, ánh sáng, có nơi lấy cảnh vở này lấp cho cảnh vở kia để đỡ tốn tiền...”, anh tâm sự.

Đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng trăn trở khi sân khấu hiện không đủ sức hấp dẫn về “ngoại hình”. Điều đó khiến sân khấu khó có thể cạnh tranh với những loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, game show, âm nhạc… Nhiều đạo diễn trẻ “lực bất tòng tâm” khi không có không gian sáng tạo thoải mái, đó là một trong những nguyên nhân làm tác phẩm bị hạn chế. Đành phải quay sang nương nhờ vào diễn xuất của diễn viên để “kéo” khán giả đến với sân khấu. Ngoài ra, một số vấn đề tồn tại khác ở sân khấu hiện nay cũng được nhắc đến nhiều đến như phục trang của diễn viên, kết hợp với múa, kinh nghiệm của đạo diễn... tất cả khiến sân khấu đã khó, nay lại càng khó hơn. Nhưng có lẽ, đây là những câu chuyện đã quá cũ, khi cứ được lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, hội nghị này sang tọa đàm khác, mà chưa thể tìm ra lời giải đúng đắn.

Nói đi thì cũng phải nói lại, thời gian qua, sân khấu cũng đã có nhiều vở diễn chất lượng như: Tiên Nga; Cậu Đồng; Mưu Bà Tú; Mút chỉ, mút cà tha; Bàn tay của trời... thu hút được sự quan tâm của khán giả. Điều này cho thấy, dù có khó khăn trăm bề thì những vở diễn tốt vẫn có thể ra đời, vẫn “sống” được trong lòng công chúng. Mới đây, vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung của đạo diễn trẻ Hoàng Tấn đã tạo được dấu ấn khi đưa công nghệ điện ảnh lên sân khấu làm bối cảnh, tạo sự thích thú cho khán giả. Tại tọa đàm, Hoàng Tấn cho rằng, cơ sở vật chất thật sự rất quan trọng, bởi lẽ khán giả đến sân khấu để thưởng thức nghệ thuật, để thỏa mãn sự nghe nhìn, một tác phẩm dàn dựng đơn điệu, nghèo nàn sẽ khó “giữ chân” được người xem. Chính vì thế mà chàng đạo diễn trẻ này đã dồn hết “sức lực” để đầu tư vào vở diễn đầu tiên của mình.

Sân khấu chông chênh tìm hướng đi - Anh 2

 Vở diễn “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” của đạo diễn trẻ Hoàng Tấn đã tạo được dấu ấn khi đưa công nghệ điện ảnh lên sân khấu làm bối cảnh

NSƯT Thành Lộc cũng “ngược chiều” khi mong mọi người đừng cứ mãi đổ lỗi cho hoàn cảnh mà hãy đi tìm chìa khóa phù hợp để mở cửa cho những tác phẩm của mình. Anh nhấn mạnh: “Ngồi than hoài cũng không ai cho mình cái gì, tốt nhất xông vô mà làm. Tôi ra nước ngoài thấy có những sân khấu hoành tráng như Broadway, nhưng cũng có sân khấu chỉ 300 - 400 ghế tương đương kịch Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, thậm chí có nơi 70 ghế. Tùy vào túi tiền mình đầu tư cho phù hợp, liệu cơm gắp mắm, ráng làm trong khả năng có thể. Phải có tác phẩm hay thì đời sống nghệ thuật mới phát triển được”.

Bên cạnh đó, NSƯT Thành Lộc cũng khẳng định về vai trò quan trọng của đạo diễn: “Đạo diễn phải hướng được diễn viên làm được điều mình muốn, theo ý đồ của mình thì mới tạo ra một vở diễn tốt, có màu sắc. Ngày trước, đâu ai tin NSND Minh Vương có thể diễn vai Nguyễn Trãi. Thậm chí, anh ấy không muốn gắn râu khi diễn. Nhưng qua tay NSND Đoàn Bá, NSND Minh Vương đã có một vai diễn để đời như thế. Thế hệ trước đã làm được thì chúng ta có sức trẻ, có cơ hội sao lại không được”.

Kết thúc tọa đàm, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh: “Khán giả yêu sân khấu luôn đòi hỏi người đạo diễn khi dàn dựng một vở diễn phải kết hợp giữa diễn xuất với bố cục, ánh sáng, âm thanh, phục trang, đạo cụ cũng như ứng dụng công nghệ kỹ thuật hỗ trợ cho diễn xuất. Tất cả những điều đó chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng. Vì vậy, người đạo diễn dàn dựng vở phải đặt mình trong tư thế đổi mới”.

Thật vậy, nếu cứ mãi đổ lỗi và đổ lỗi mà không nhìn nhận lại những tư duy, kiến thức mình đang có, liệu có đủ để dàn dựng một tác phẩm để đời, một tác phẩm có giá trị? Hay lại “ngủ quên” và tiếp tục đi theo lối mòn trong tư duy sáng tạo, thế thì dù có đầy đủ cơ sở vật chất, sân khấu hiện đại đến mấy cũng chỉ là con số 0. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc